Di tích Quốc gia được xếp hạng theo Quyết định số 734/QĐ ngày 11/6/1992 của Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Quần thể di tích bao gồm Khu lưu niệm và Khu mộ Trần Phú nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

* Khu lưu niệm đồng chí Trần Phú tọa lạc trên một mảnh đất rộng 4.656,9m2 ngay cạnh đê La Giang bên dòng sông La, giữa một vùng dân cư đông đúc trù phú thuộc thôn Châu Tùng xã Tùng Ảnh. Khu lưu niệm là một quần thể các hạng mục công trình khép kín, bao gồm: Nhà thờ tiểu chi họ Trần, nhà trưng bày lưu niệm, văn phòng làm việc của Ban quản lý, nhà bảo vệ và khuôn viên cây xanh cây cảnh trong đó có rất nhiều cây được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội trồng lưu niệm khi về thăm khu di tích.

 Nhà thờ tiểu chi họ Trần nguyên gốc có kết cấu kiến trúc theo lối nhà kẻ ba gian, 2 hồi; tường xây bằng đá ong; xung quanh nền ghép bằng đá hộc; mái lợp ngói Cẩm Trang. Do ảnh hưởng của trận lũ lụt năm 1945 và cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bằng không quân lần thứ nhất (1964), ngôi nhà có một số thay đổi nhưng nhìn chung vẫn giữ được kết cấu kiến trúc và dáng vẻ ban đầu. Năm 1962, ngôi nhà được Ty Văn hoá Hà Tĩnh tu bổ đồng thời mua thêm một ngôi nhà lim năm gian làm nhà khách đặt trong vườn cũ. Năm 1977, Ty Văn hoá Nghệ Tĩnh cải tạo ngôi nhà lim năm gian làm Nhà trưng bày, bổ sung thêm nhiều hiện vật, tài liệu về thân thế và sự nghiệp đồng chí Trần Phú để phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Năm 1988, Khu di tích lưu niệm đồng chí Trần Phú được mở rộng, xây dựng mới Nhà trưng bày có diện tích 261m2 . Năm 2003, để phục vụ cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú (1/5/1904 – 1/5/2004), UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Văn hoá Thông tin Hà Tĩnh đã nâng cấp, tôn tạo khu di tích như hiện nay.

Nhà trưng bày lưu niệm

 

Nhà trưng bày được xây dựng năm 1984, đến năm 2013 được tôn tạo chỉnh trang lại. Nhà có diện tích 261,2m2, gồm 7 gian liền kề xây bằng gạch dày; kết cấu dầm trụ bằng bê tông cốt sắt. Trần nhà bằng thạch cao. Bốn mái lợp bằng tôn; bờ nóc để trống, bờ chảy xây gạch; bốn phía đổ sê nô máng nước và trần của hành lang bao quanh. Hiên phía trước đổ bít phông hình vòm trên gắn dòng chữ: Nhà trưng bày lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú bằng đồng nhũ vàng; nhà cao 6,25m; nền lát gạch men, xung quang là hành lang.

Bên trong nhà trưng bày lưu niệm

 

Hiện nay tại nhà trưng bày đang có gần 100 tài liệu hiện vật và bộ sưu tập được trưng bày bao gồm các vật dụng của đồng chí Trần Phú, các hình ảnh tư liệu, sách, báo, các ấn phẩm…Đây là những nguồn tài liệu, hiện vật có giá trị về nhiều mặt mang tính khoa học và giá trị biểu cảm cao, giúp cho người xem tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú. Các tài liệu hiện vật này được trưng bày trong các tủ, kệ, bục, trên giá.

Năm 1988, khu di tích được cơi nới mở rộng. Ngoài một số cây cổ thụ như nhãn, xà cừ, long não có tuổi đời trên dưới trăm năm do cha ông, thân nhân đồng chí Trần Phú trồng còn có rất nhiều cây lưu niệm khác được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước trồng lưu niệm khi về thăm khu di tích như cây đại, cây phượng, cây đa, cây xoài…Dọc các lối đi và bao quanh các hạng mục trồng các loại cây mắt nai, cây chuổi ngọc, cây tùng tháp…được tỉa tót, chăm sóc cẩn thận tạo nên một không gian, cảnh quan đẹp cho khuôn viên di tích.

Văn phòng làm việc và hội trường: Nhà được xây dựng vào năm 2003, bố trí theo chiều dọc, mặt ngoảnh về hướng Tây. Hồi phía Bắc và phía Nam ngôi nhà, mỗi nơi bố trí theo chiều ngang hai phòng làm việc cho cán bộ, nhân viên; chính giữa hội trường là nơi đón tiếp phục vụ khách tham quan và các hoạt động khác của cơ quan.

* Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú:

Ngày 12/1/1999, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, nguyện vọng của thân nhân gia đình Tổng Bí thư Trần Phú. Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú từ thành phố Hồ Chí Minh về an táng tại quê hương, trên đồi Quần Hội trước bến Tam Soa thuộc thôn Châu Linh xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một vùng đất “Sơn kỳ thủy tú” Tam Soa – Linh Cảm một danh thắng nổi tiếng, nơi hội tụ của dòng Ngàn Sâu, Ngàn Phố tạo thành dòng sông La, bên cạnh là ngọn Tùng Lĩnh với hàng thông soi bóng. Phía Tây Bắc, bên kia dòng La là dãy núi Thiên Nhẫn nơi có thành Lục Niên nổi tiếng trong kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi. Phía Tây Nam là dãy núi Giăng Màn với ngọn Mồng Gà. Các núi này như một bức bình phong làm tiền án cho khu mộ, cùng với các con sông Sâu, Phố, ngã ba Tam Soa đã tạo nên một khung cảnh vừa tráng lệ vừa nên thơ.

Khu mộ tọa lạc trên một khuôn viên rộng 47.240,4m2, được chia làm 2 phần rõ rệt. Phía ngoài là các hạng mục gồm: cổng, đường vào, hàng rào bao quanh, bãi đỗ xe, hồ nước. Phía trong  gồm có cổng trong, khuôn viên cây xanh cây cảnh, nhà bia, nhà đón tiếp phục vụ khách tham quan, mộ phần đồng chí Trần Phú, hai vị thân sinh và đồng chí Trần Ngọc Danh cùng với hệ thống tường rào xây bằng gạch và tường rào bằng lưới sắt B40 bao quanh đồi Quần Hội tách biệt với các hộ dân liền kề.

 

Cổng vào khu mộ Cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngay cạnh bến Tam Soa là cổng vào khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú. Có 02 cổng (vào và ra), đường hai chiều. Mỗi cổng rộng 5m; cao 2,3m; trụ cổng hai bên bằng sắt hình hộp áp sát vào trụ xây hình vuông 0,4m x0,4m, ốp đá Granit màu đỏ. Cánh làm bằng sắt, chạy dọc theo cánh cổng phía dưới gắn tấm thép, phía trên lắp song sắt và gắn chông, sơn màu xanh lá.

Đường vào khu mộ chia làm hai làn, trải thảm nhựa rộng mỗi bên 5m và dài 100,05m; giữa có giải phân làn ghép bằng đá tự nhiên tạo khuôn rộng 3m, phía trong trồng các loại cây như cỏ lạc, ngâu, râm bụt, cây mắt nai tạo viền. Dọc theo đường vào về phía Tây trồng hàng cây chò chỉ và cây tùng tháp. Bên cạnh là bãi đỗ xe lát bằng đá tự nhiên có diện tích 800m2 (20m x 40m), về phía Đông trồng 1 hàng cây cau vua.

Cổng chính khu mộ kết cấu theo kiến trúc kiểu tam quan, hình hộp, chia làm hai cấp; trụ cổng hình tròn đổ bằng bê tông (4 trụ lớn, 4 trụ bé); trụ lớn cao 5,2m, đường kính 0,67m; trụ bé cao 3,4m, đường kính 0,5m trên lợp ngói hình ống; phía trên có 4 mái, phía dưới mỗi bên có 3 mái; bờ nóc và bờ chảy để trống, cuối bờ nóc và bờ chảy mỗi nơi gắn họa tiết hình hồi văn; cổng rộng 10m và cao 6,1m; sơn giả đá màu nâu đỏ. Mặt ngoài treo tấm biển đúc bằng bê tông sơn màu vân gỗ gắn dòng chữ: Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú, tấm biển phía trong cùng kích thước, màu sơn gắn dòng chữ: Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm, các chữ này đều làm bằng chất liệu đồng.

 

Hồ nước trong khuôn viên Khu mộ

 

Hồ nằm phía Đông đường vào, trước đồi Quần Hội có diện tích mặt nước 1,7ha; độ sâu bình quân khoảng 3m. Hồ nguyên là một nhánh sông cụt thuộc chi lưu sông La về sau được đắp chặn dòng sau khi đưa hài cốt đồng chí Trần Phú về an táng tại đây. Trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú (1/5/1904 – 1/5/2004), hồ được cải trang xây kè bao quanh, tạo lối đi lại và chia bờ xung quanh làm các khuôn, thảm thực vật. Phía Tây – Nam, gần giữa lòng hồ xây một nhà nổi hình bát giác, mái lợp ngói mũi, xung quanh để trống, lan can bốn phía bằng inox. Từ bờ ra nhà nổi bắc một chiếc cầu bê tông hình vòm dài 9m và rộng 1,8m để cho khách tham quan vãn cảnh.

Khuôn viên cây xanh, cây cảnh:

Lối vào khu mộ lát bằng gạch Blốc mài gralanto màu nâu đỏ vuông 0,3m x0,3m chia khuôn viên làm hai phần. Dọc theo lối đi hai bên đặt một số chậu cây cảnh trong trồng si, mẫu đơn, sứ, vạn tuế và hai hàng cây cọ cảnh. Khuôn viên trồng cỏ, chính giữa là một số bồn hoa tạo điểm nhấn. Trong khuôn viên trồng rất nhiều cây lưu niệm như xoài, đa, vú sữa, ngọc lan, bồ đề…do các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội trồng khi về dâng hương thăm viếng mộ Tổng Bí thư Trần Phú. Hai phía Đông – Tây khuôn viên trồng hai hàng cây xoài.

Nhà đón tiếp:

Cạnh lối vào, bên phải đường lên phần mộ là nhà đón tiếp phục vụ, hướng dẫn khách tham quan. Do địa hình dốc nên nhà được làm hai tầng, tầng 1 nữa chìm nửa nổi bố trí phòng kho và khu vệ sinh. Tầng hai là nhà đón tiếp và phòng thường trực. Nhà có mặt bằng hình chữ nhật bố trí theo chiều dọc, chính giữa là hội trường làm nơi đón tiếp, thềm phía trước và hành lang chạy bao quanh phòng hội trường được lát gạch hoa rộng 1,3m. Bình phông phía trước xây bằng gạch, trổ 3 cửa hình vòm đỡ lấy trần nhà phía trên. Nhà có 4 cửa (1 cửa chính, 4 cửa trổ về hai bên) đều có cùng chiều cao 2,4m và rộng 1,18m; mỗi cửa có 2 cánh làm bằng gỗ, phía dưới lắp ván pano, trên gắn kính. Trần nhà đổ bằng bê tông, trên lợp mái tôn (4 mái), chân mái đổ máng seno chạy bao quanh. Sau hội trường là 2 phòng thường trực dành cho cán bộ nhân viên làm việc. Nhà rộng 135,8m2 (14 x 9,7m); cao 11,7m.

Nhà đón tiếp bố trí khánh tiết, bàn ghế hội trường, loa máy phục vụ việc dẫn lễ và màn hình tivi chiếu phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Trần Phú phục vụ khách tham quan.

 

Nhà bia tiểu sử ghi lại quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú

 

Đối diện với nhà đón tiếp, nằm về phía bên trái đường lên khu mộ là nhà bia ghi tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú.

Nhà được bố trí trên một mặt bằng rộng 73,8m2 (9 x 8,7m) lát đá Granits màu lông chuột, có 2 lối lên theo các bậc tam cấp (1 lối chính diện và 1 lối đi bên trái), mỗi lối đi rộng 2,7m và cao 0,8m so với mặt bằng khuôn viên, đồng thời có một lối đi liên thông với đường lên khu mộ nằm về phía bên phải.

Trước nhà bia đặt một chậu đá hình vuông 0,9m x0,9m và cao 0,9m (cả đế)

Trên mặt bằng đó, nhà bia được bố trí trên một bình diện hình vuông có diện tích 21,16m2 (4,6 x 4,6m), nền cao 0,45m, lát đá Granits màu đen vuông 0,5 x 0,5m; có 4 lối lên.

Nhà được tạo từ 4 cột trụ tròn bằng bê tông, mỗi cột cao 3,75m; đường kính 0,36m; bốn phía để trống; mái đổ bê tông trên dán ngói mũi hài, kiểu mái khu đĩ. Bờ nóc, bờ chảy đắp bằng vữa xi măng; góc các chân mái được tạo hình cong vút như mũi thuyền.

Bia tiểu sử được làm bằng đá thanh đặt chính giữa nền nhà, trên một bệ đá chạm khắc hoa văn cao 0,7m, rộng và sâu 0,72m. Bia cao 1,82; rộng 0,93m và dày 0,15m. Trán bia hình vòm, chạm trổ hoa văn mặt nguyệt, hình hổ phù và dây leo. Mặt bia là 1 tấm đá Granits màu đen khắc tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp cố Tổng Bí thư Trần Phú ốp vào thân bia, chữ sơn nhũ màu vàng.

Khu mộ Cố Tổng Bí thư Trần Phú

 

Mộ phần Tổng Bí thư Trần Phú nằm lưng chừng về phía Tây – Nam đồi Quần Hội. Đồi Quần Hội là một trong những ngọn núi đầu tiên thuộc dãy Trà Sơn sau núi Tùng Lĩnh (còn gọi là ngọn Thiếu Tổ Sơn). Núi cao 37,5m so với mực nước biển, trên trồng các loại cây keo lá tràm, thông, tùng tháp có tuổi đời hơn 20 năm và nhiều loại cây bụi thấp, cỏ dại.

Phần mộ có bố cục thiết kế chặt chẽ, giữa các hạng mục với nhau như nhà bia tiểu sử, mộ phần đồng chí Trần Phú, sân hành lễ, mộ phần hai cụ thân sinh và mộ phần đồng chí Trần Ngọc Danh có các lối đi lên, xuống thuận tiện cho khách tham quan thăm, viếng.

Đường lên mộ hình chữ S, mang dáng dấp bản đồ Việt Nam dài 33m và không đồng nhất về chiều ngang, nơi rộng nhất 5,2m và nơi hẹp nhất là 1,m. Các bậc tam cấp lát bằng đá granits màu lông chuột. Cuối đường lên là một khoảng sân lát bằng đá tự nhiên rộng 31m2 (10 x 3,1m). Đối diện là bức phù điêu bằng đá tự nhiên  dài 10m và cao 2,7 m trên đó khắc họa các hình ảnh của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), phong trào đấu tranh của nông dân, công nhân đòi hỏi tăng lương giảm giờ làm, giảm sưu, giảm thuế…phong trào cách mạng tháng 8 lật đổ chế độ thực dân, phong kiến và hình ảnh lao động sản xuất, kiến thiết nước nhà trong thời kỳ mới. Tới đây, đường lên được chia làm 2 ngã lên trái và phải mỗi nơi rộng 1,2m và dài hơn 5m, lát bằng đá granits. Mặt trong, ngoài các bức tường chắn khu mộ và lan can tam cấp ốp đá rối tự nhiên, phía trên đổ bê tông mài gralanto.

Qua hết đường lên, sau bức phù điêu là sân hành lễ rộng 108m2 (15 x 7,2m) lát bằng đá tự nhiên vuông 0,6 x 0,6m. Đây là nơi dành cho khách tham quan hành lễ khi về dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm và tri ân đồng chí Trần Phú. Phía trước sân dọc theo lan can đặt 05 chậu hoa khá lớn trên trồng các loại cây cảnh như trác bá, hồng phụng. Trước phần mộ đặt 01 lư hương bằng đá cao 1,45m; đường kính thân rộng 0,9m; 2 bên là đôi đèn đá mỗi cây cao 2,3m. Đây là tặng vật của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho Ban quản lý di tích Trần Phú vào năm 2012. Ngay sau lư hương là một ban thờ bằng đá tự nhiên cao hơn mặt sân 0,7m; dài 3,8m và sâu 0,87m; trên đặt 1 bàn đá nhỏ, 1 mâm bồng bằng đá. Nền mộ cao hơn sân hành lễ 0,5m; rộng 61,2m2 (10,2 x 6m), lát bằng đá granits màu đen vuông 0,6 x 0,6m. Trên phần nền đó được tạo 1 khoảng rộng 18,72m2 cao hơn nền mộ 0,2m lát bằng đá granits màu nâu đỏ, chính giữa đặt mộ phần đồng chí Trần Phú.

Mộ phần Tổng Bí thư Trần Phú có hình chữ nhật ốp bằng đá granits màu lông chuột chia làm 2 cấp; cấp thứ nhất cao 0,27m, dài 2,4m và rộng 1,4m. Cấp thứ 2 cao 0,2m; dài 1,8m và rộng 0,9m. Trên đầu phần mộ là 1 tấm bia ốp đá cao 1,3m và rộng 0,83m trong đặt di ảnh đồng chí Trần Phú và dòng chữ: Đồng chí Trần Phú (1904 – 1931) Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng nhũ màu vàng.

Phía sau ngôi mộ là bức bình phông ốp bằng đá granits màu đỏ cao 4,2m và rộng 9m trên gắn lời căn dặn của đồng chí Trần Phú trước lúc hy sinh: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Dọc hai bên nền mộ mỗi nơi đặt 3 chậu hoa sứ quanh năm xanh tốt, bên phải trồng một cây hoa đại có tán khá rộng, cứ sau mỗi dịp tết đến xuân về lại đâm chồi nẩy lộc, tỏa hương thơm ngát cả một vùng.

Ở bên phải, phía sau khu mộ là phần mộ các cụ thân sinh đồng chí Trần Phú

 

Đường lên mộ hai cụ thân sinh nằm về phía Bắc, hướng lên trên mộ phần đồng chí Trần Phú, lát bằng đá granits dài 9,3m; rộng 1m.

Mộ phần hai cụ thân sinh nằm ở phía trên mộ phần đồng chí Trần Phú dọc theo sườn đồi, trong 1 khoảng sân lát bằng đá granits màu lông chuột rộng 32m2 (5,4 x 6m). Đây là một ngôi mộ đôi ốp bằng đá granits màu lông chuột cao 0,6m; rộng 1,45m và dài 1,7m. Phía sau là tấm bia gắn mộ chí cao1,15m; rộng 0,8m và dày 0,15m. Nhìn theo chiều dưới lên, mộ phần ông Trần Văn Phổ nằm về phía bên phải còn mộ phần bà Hoàng Thị Cát nằm về phía bên trái. Mộ chí ông Phổ ghi nội dung: Ông Trần Văn Phổ, Tùng Ảnh Đức Thọ Hà Tĩnh  (1865 – 1909), còn mộ chí bà Cát ghi: Bà Hoàng Thị Cát, Châu Dương Nghi Lộc Nghệ An, mất 27/11/1910.

Phía trước mộ phần thân sinh đặt 1 lư hương đá cao 0,55m; 2 bên mộ phía trên đặt 2 chậu hoa sứ còn phía sau là bức bình phông ốp đá granits màu đỏ cao 2,4m và rộng 4,2m.

Lối đi xuống, sang mộ phần đồng chí Trần Ngọc Danh dài 25,4m; rộng 1,2m. Mộ đồng chí Trần Ngọc Danh nằm chếch về phía Nam trong quần thể. Mộ có hình dáng giống mộ phần Tổng Bí thư Trần Phú nhưng nhỏ hơn, ốp bằng đá granits màu đen. Mộ có 2 cấp, cấp thứ nhất: cao 0,3m; rộng 1,4m và dài 2,15m. Cấp thứ 2 cao 0,23m; rộng 1m và dài 1,8m. Trên phần đầu mộ là một tấm mộ chí ốp đá cao 1,25m; rộng 0,7m và dày 0,2m trong gắn ảnh khắc đá đồng chí Trần Ngọc Danh và dòng chữ: Ông Trần Ngọc Danh (1908 – 1952), Đại biểu Quốc hội, Trưởng phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pháp. Hai bên phần mộ đặt 2 chậu hoa sứ giống như bên mộ phần 2 cụ thân sinh. Lối đi xuống khu mộ dài 51m và rộng 1,4m

Như vây, Khu lưu niệm và khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú là di tích gốc, nơi gìn giữ và trưng bày những tài liệu hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú, nơi tưởng niệm và tri ân người chiến sỹ cộng sản kiên trung - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta. Thông qua nhà thờ và nhà trưng bày giúp cho khách tham quan hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp lớn lao của đồng chí Trần Phú đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Càng thêm cảm phục tinh thần bất khuất, quật cường trước kẻ thù, sự hy sinh cao cả vì lý tưởng cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú.

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 109.617
    Online: 2